Trang chủ » Tin tức » Trong nước » Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027: Góp phần phát triển ngành Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam bền vững

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027: Góp phần phát triển ngành Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam bền vững

26/05/2023 | 2:25

   Sáng ngày 18/6/2022, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Trâu Quỳ – Gia Lâm- Hà Nội), Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027. Đại hội đã bầu: 45 đại biểu vào Ban chấp hành, 15 đại biểu vào Ban Thường vụ, PGS.TS Hoàng Kim Giao tiếp tục giữ chức Chủ tịch, TS. Lê Văn Thông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí và 05 Phó Chủ tịch là: TS Tống Xuân Chinh, PGS.TS Sử Thanh Long, bà Tô Tuệ Lang, ông Đặng Thái Nhị, ông Hà Văn An.

Các đại biểu tham dự Đại hội làm lễ chào cờ

Tham dự Đại hội có đại diện: Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Thuốc Thú y, Hiệp hội Sữa Việt Nam; cùng các doanh nghiệp, nhà khoa học, các đơn vị truyền thông…

Tại Đại hội, các đại biểu đã nhất trí 100% : Báo cáo Tổng kết hoạt động của Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhiệm kỳ II (2015-2021), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2022-2027), sửa đổi bổ sung Điều lệ Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhiệm kỳ III (2022-2027).

PGS. TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn đã kêu gọi toàn thể các đơn vị thành viên trong toàn Hiệp hội, dưới sự lãnh đao của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội, phát huy cao những thành tích đã đạt được trong những năm qua, đoàn kết thống nhất, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhiệm kỳ III (2022-2027) và góp phần vào phát triển ngành Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam bền vững.

PGS.TS Hoàng Kim Giao – Chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam

Đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam

Toàn cảnh Đại hội

Ngành chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam những năm qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, tổng đàn bò: 6.5 triệu con, tăng trưởng trung bình 3,34%/năm (giai đoạn 2015-2021), trong đó nò sữa 3,77%. Đến 31/12/2021 đàn bò sữa đạt 375 ngàn con, tăng trưởng 13,17% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng sữa tươi sản xuất: 1,15 triệu tấn, tăng 10%. Đàn Dê, Cừu phát triển tốt đạt 2,85 triệu con. Đàn Trâu ổn định, đạt trên 2,3 triệu con. Đàn bò lai được phát triển tại nhiều địa phương các tổ hợp lai 2 máu, 3 máu, 4 máu; sử dụng công nghệ cao trong phát triển tạo đàn giống; trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã trở thành ý thức của người chăn nuôi; thức ăn TMR đã được sử dụng ở hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa; chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn đã được nhiều trang trại áp dụng…

Đóng góp vào thành tựu của chăn nuôi gia súc ăn cỏ, phải kể đến vai trò to lớn của Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam.Trong báo cáo TS Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội cho biết, trong nhiệm kỳ II, Hiệp hội đã kết nạp thêm 07 thành viên mới và đến nay Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam đã có 87 hội viên (trong đó có 78 hội viên tập thể và 09 hội viên cá nhân). Hiệp hội hiện có trang web chính thức là http://vinaruha.vn/. Ban Chấp hành Hiệp hội gồm 90 thành viên, Ban Thường vụ 19 thành viên, Ban Kiểm tra 03 thành viên.

TS Lê Văn Thông- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam báo cáo Tổng kết nhiệm kì II (2015-2021) và phương hướng hoạt động hiệm kì III (2022-2027); báo cáo kiểm điểm công tác của Ban chấp hành của Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam

TS Lê Văn Thông khẳng định tổ chức hội thảo là hoạt động tiêu biểu, nổi bật nhất của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Hiệp hội đã tổ chức 12 hội thảo chuyên đề với các đơn vị như Công ty TNHH MTV dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi, PGS.TS Sử Thanh Long, Công ty Cổ phần Hội chợ quảng cáo và triển lãm Việt Nam (Vietfair) và Hiệp hội sữa Việt Nam, Đại hội Tây Nguyên, Bộ môn ngoại sản Học viện nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng đại diện UBM Asia tại TP.Hồ Chí Minh (Ban tổ chức Hội chợ và triển lãm Vietstock), Viện Nghiên cứu Bò sữa – Công ty TH True Milk, Công ty APDC cùng Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì…Tổng cộng đã có gần 2.000 lượt đại biểu tham dự và gần 160 bài báo cáo tại các cuộc hội thảo.

Các hội thảo đã đánh giá được tình hình thực trạng chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam trong những năm qua. Cơ hội và thách thức trong chăn nuôi gia súc lớn ở Việt Nam. Nêu được các công nghệ, các giải pháp chính để phát triển chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam trong thời gian tới. Các địa phương, các đơn vị, các trang trại tìm ra hướng đi, công nghệ, giải pháp phù hợp cho địa phương, đơn vị, trang trại mình. Tạo liên kết chuỗi dọc ngang giúp chăn nuôi gia súc lớn phát triển hiệu quả, bền vững. Tạo gắn kết giữa Hiệp hội với (Cơ quan Quản lý Nông nghiệp, các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các Doanh nghiệp, các trang trại, các Hội, Hiệp hội…) góp phần vào sự phát triển ngành gia súc lớn của Việt Nam và nâng cao vị thế của Hiệp hội trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, Hiệp hội đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn cho một số tỉnh thành, đơn vị, trang trại về chăn nuôi gia súc lớn. Đặc biệt là tư vấn cho các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Lào Cai,… về chăn nuôi trâu bò, dê, cừu hiệu quả. Riêng với Công ty TH Milk, Hiệp hội đã tư vấn trong việc ứng dụng công nghệ cao về công nghệ cấy truyền phôi và TH True milk đã thực hiện, đạt thành công cao.

Hiệp hội đã tham gia đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020; xây dựng Luật Chăn nuôi; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2045.

Cùng với đó Hiệp hội có nhiều góp ý các dự thảo, văn bản của Chính phủ, các Bộ, Ngành,VCCI, và các tỉnh, thành phố; tư vấn phản biện xã hội những vấn đề nóng bỏng của xã hội; các thành viên của Hiệp hội đã tham gia chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng tăng cường phát triển các Chi hội, Hội viên và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các Tổ chức trực thuộc hiệp hội và các thành viên của hiệp hội…

Cũng theo nhận định của TS Lê Văn Thông đã hoàn thành khá tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của Hiệp hội; đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hiệp Hội và điều lệ Hiệp Hội; đúng mục đích và nhiệm vụ hoạt động của Hiệp Hội, đảm bảo đúng luật pháp, góp phần thực hiện tốt công tác an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Hiệp hội luôn chú ý tổ chức, phát triển về số lượng và đảm bảo chất lượng các Hội viên. Quan hệ đối nội, đối ngoại, Hợp tác quốc tế tốt. Vì vậy vị thế, uy tín của Hiệp hội không ngừng được tăng cường.

Tuy nhiên, hàng năm các đơn vị thành viên Hiệp hội nộp Hội phí rất ít, không đáng kể, chưa đầy đủ, nên tài chính của Hiệp hội gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của các Ban thuộc Hiệp Hội chưa mạnh, chưa đồng đều.Sự liên kết hỗ trợ giữa các thành viên còn yếu. Sự kết nối với các hoạt động của các Hội, Hiệp hội khác còn lỏng lẻo và không liên tục.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội

Tin tưởng Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp Vụ các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ

Phát biểu tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp Vụ các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá cao kết quả của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Dù hai năm qua có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng Hiệp hội đã tổ chức được nhiều hội thảo chuyên ngành, phổ biến kiến thức cho người chăn nuôi; thu hút được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực làm hội viên và là cầu nối tin cậy giữa doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT và đơn vị liên quan. “Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tạo điều kiện hết sức cho Hiệp hội phát triển. Tôi tin tưởng rằng, nhiệm kỳ mới, Ban lãnh đạo và toàn thể hội viên của Hiệp hội với quyết tâm cao và định hướng họat động đoàn kết, thống nhất sẽ phát triển mạnh và gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa”, bà Nguyễn Tuyết Mai nhấn mạnh.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Còn đại diện cho Bộ NN&PTNT, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi những năm vừa qua đã đạt tăng trưởng 5-6%, đảm bảo an ninh thực phẩm, dinh dưỡng cho gần 100 triệu dân và khách du lịch. Đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, để người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận thực phẩm protein thịt, trứng, sữa nội địa; trong đó có vai trò của các Hội, Hiệp hội trong ngành chăn nuôi nói chung và Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn nói riêng. Hoạt động của Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam gắn chặt với gia súc ăn cỏ, tạo việc làm cho hàng triệu hộ nông dân, tận dụng hệ thức ăn xanh và hệ phụ phẩm lớn, giúp tiết kiệm ngũ cốc.

“Chúng tôi chúc mừng và đánh giá cao cố gắng của Hiệp hội trong bối cảnh khó khăn, đã hoàn thành nghị quyết của nhiệm kỳ II. Ban thường trực, Ban Thường vụ đã linh hoạt trong việc điều hành các hoạt động, duy trì, bảo vệ lợi ích của hội viên; tích cực xây dựng chính sách, tổ chức hội thảo, kỹ thuật vào sản xuất. tiềm năng phát triển gia súc ăn cỏ còn lớn. Tính ra protein gia súc ăn cỏ Việt Nam mới chiếm 7,79%, so với thế giới còn rất thấp, 28,7%…Hi vọng nhiệm kỳ mới, với sự chỉ đạo của Hiệp hội và Ban chấp hành mới, sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ với Hội viên, tạo ra bước phát triển mới của ngành gia súc ăn cỏ trong thời kỳ có nhiều thay đổi, đặc biệt là về công nghệ”, TS Tống Xuân Chinh khẳng định.

TS Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Còn TS Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm vui mừng khi được có mặt tại Đại hội. TS Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, ngành hàng chiếm vị trí thứ 3 trong ngành chăn nuôi, đó là gia súc ăn cỏ và đặc biệt ngành sữa phát triển mạnh mẽ. Có được thành tích đó là chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và không thể thể không kể đến vai trò của hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao kết quả nổi bật của nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Đó là Hiệp hội đã tập hợp, đoàn kết các hội viên, các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chăn nuôi, góp sức xây dựng ngành hàng; phổ biến khoa học kỹ thuật thông qua các hội thảo, tập huấn; làm tốt công tác phản biện, cùng với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm thường xuyên phản ánh tâm tư nguyện vọng của người chăn nuôi, đề xuất cơ chế chính sách làm sao để tất cả các ngành hàng cùng nhau phát triển.

“Thời gian tới, tôi mong muốn Hiệp hội gia súc lớn và các Hiệp hội khác cùng nhau đoàn kết, đóng góp nhiều ý kiến một cách sát thực, công tâm và chính xác nhất để Bộ Nông nghiệp và các cơ quan chức năng khác điều chỉnh và có nhiều chính sách mới, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả”, TS Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm.

Một số hình ảnh khác tại Đại hội:

Ông Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Đại hội

TS Phùng Thế Hải – Trưởng Ban kiểm tra Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu và hoạt động của Ban kiểm tra Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhiệm kì II (2015 – 2021)

Các đại biểu tham dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm

Hà Ngân

Box:

Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2022-2027) của Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam

Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam tiếp tục kiện toàn lại tổ chức sau Đại hội, tuyên truyền, phổ biến đến các Hội viên về đường lối, chính sách phát triển chăn nuôi gia súc lớn của Đảng, Nhà Nước; mở rộng quy mô hoạt động, kết nạp thêm các Hội viên đặc biệt là các Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các trang trại chăn nuôi gia súc lớn, các Hộ gia đình và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc lớn,…Ban thường trực họp định kỳ hàng tuần; BTV họp định kỳ 6 tháng/lần; BCH họp định kỳ mỗi năm/lần. Các báo cáo hàng tháng, quý, năm được gửi tới các thành viên Ban châp Hành Hiệp hội qua email.

Hiệp hội sẽ thành lập các tổ chuyên gia chuyên sâu, mời các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm tham gia hoạt động; tham gia xây dựng, đóng góp cho đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào các văn bản pháp luật liên quan đến ngành nghề; đóng góp, phản ánh lên các cơ quan, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của các Hội thành viên và của Hiệp hội

Về công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao TBKT: Hiệp hội và các chuyên gia của Hiệp hội đăng ký tham gia đăng ký đấu thầu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao các tiến bộ kĩ thuật; nhận đặt hàng các Đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ KHCN&MT, Bộ NN&PTNT, các Sở KH&CN, các Sở NN&PTNT, các tập đoàn, các công ty, các trang trại,… đặt hàng hàng năm; tham gia phối hợp nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ KHKT các Đề tài, công nghệ của các Viện, Trường, Trung tâm,…Tham gia đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chính sách về chuyên môn, về quản lý,…; tổ chức các Hội thảo trong nước và quốc tế; Liên kết với các Hội, Hiệp hội trong nước, trong khu vực và trên thế giới…

Về công tác tài chính, Hiệp hội tiếp tục hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý tài chính ở các Hội, Hiệp hội…