Trang chủ » Tin tức » Trong nước » Một số nét về hiện trạng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam -Tiềm năng và thách thức.

Một số nét về hiện trạng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam -Tiềm năng và thách thức.

26/05/2023 | 10:07

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 1939,  Northbourne lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và phong trào NNHC bắt đầu  như là 1 phản ứng đối với nông nghiệp hóa học và ô nhiễm môi trường. NNHC thực chất là tiếp nối của NN truyền thống, khi con người chưa biết đến các hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích tổng hợp; khi đất canh tác, nước và khí trời chưa bị ô nhiễm bởi công nghiệp và đô thị. NNHC truyền thống là sự kết hợp giữa lao động sáng tạo của loài người và quà tặng quý giá của thiên nhiên. Nhưng xã hội loài người đã lạm dụng sự hảo tâm của thiên nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái, triệt tiêu đa dạng sinh học, đầu độc môi trường đất, nước, không khí bằng hàng chục ngàn hóa chất độc hại và những chất thải độc hại khác từ các nhà máy….Trước thực trạng đó, trào lưu sản xuất NNHC đã ra đời và ngày càng lớn mạnh.

NNHC đã gây nên sự chú ý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trong 2 thập kỷ qua, nhất là các nước phát triển, khi mà áp lực về lương thực giảm đi, nhưng áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và  ô nhiễm môi trường lại tăng lên. Nhiều nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại dương đã khuyến khích nông dân áp dụng nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác, NNHC là câu chuyện còn rất mới mẻ, khái niệm về loại hình canh tác này được hiểu rất khác nhau. Hiện tại có rất nhiều định nghĩa khác nhau về nông nghiệp hữu cơ.

Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, (NNHC), là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi. Theo IFOAM, 4 nguyên tắc sản xuất chung nông nghiệp hữu cơ đó là: Sinh thái, sức khỏe, cẩn trọng và công bằng. Trong đó: 1) Sinh thái (hệ tự nhiên mô phỏng và bền vững 2) Sức khỏe (của đất, cây trồng, gia súc, con người);); 3) Công bằng (bình đẳng, tôn trọng và công lý cho mọi sinh vật); và 4) Nguyên tắc quan tâm (vì các thế hệ tương lai).

NNHC có một số đặc điểm chính i) Cung cấp chất dinh dưỡng một cách không trực tiếp, thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ bởi vi sinh vật hoặc từ các khoáng chất, phù sa các sông suối…; ii) Tự huy động đạm thông qua quá trình cố định bởi các cây bộ đậu hay tái sử dụng chất hữu cơ, phế phụ phẩm; iii) Phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại chủ yếu thông qua các biện pháp đấu tranh sinh học,  thuốc BVTV sinh học và các giống cây trồng chống chịu; iv) Bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của sinh vật. Như vậy có thể nói, để có sản phẩm hữu cơ đòi hỏi rất nhiều điều kiện, cả sản xuất và thị trường, vì vậy mà NNHC không có được mức tăng trưởng nhanh như sản xuất nông nghiệp thâm canh.

II.HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN THẾ GIỚI

Theo báo cáo tại Đại hội Hữu cơ thế giới lần thứ 20 (OWC)  tháng 9/2021 tại Pháp   đã đưa ra bức tranh tổng thể và chứng minh cho sự đóng góp của nông nghiệp hữu cơ vào các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc về diện tích đất, số lượng nhà sản xuất và số liệu thị trường, nhấn mạnh sự đóng góp của nông nghiệp hữu cơ trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, ngăn chặn đa dạng sinh học thất thoát và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, chỉ kể tên một số. Theo số liệu công bố của (FiBL và IFOAM)  hiện trạng sản xuất và thương mại sản phẩm NNHC toàn cầu như sau:

  1. Về sản xuất:

-Số nước được chứng nhận có sản xuất NNHC tăng nhanh: năm 2019: 187 nước trước đó năm 2008: 114 nước, 2010: 160 nước; 2017 là 180 nước.

Kết quả khảo sát của FiBL năm 2021 như sau

Khu vực

Số QG có số liệu về NN hữu cơ

Tổng số quốc gia trong khu vực

Các quốc gia đã cung cấp số liệu (%)

Châu Phi

47

60

77

Châu Á

42

50

82

Châu Âu

48

52

94

Châu Mỹ la tinh và Caribê

35

52

73

Bắc Mỹ

3

5

75

Châu Đại dương

12

29

50

Tổng số

48

52

94

 
-Về diện tích sản xuất NNHC :Năm  2000: 14,9 triệu ha, 2003: 26,6 triệu ha, 2013: 37,5  triệu ha; và 2019 là 72,3 triệu ha ( gấp 5 lần), trong khi giá trị tăng đến 2018 hơn 100 tỷ USD (gấp hơn 6 lần).

-Tổng đất NNHC chiếm có 1,1% đất NN toàn cầu, và có 7 nước có diện tích hơn 10%. Gồm Úc:45%, châu Âu: 25%, châu Á: 8%. Cụ thể hiện nay, 73% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của Thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ nhiều nhất với 22,7 triệu ha, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; kế tiếp đến là: Argentina (3,1 triệu ha); Mỹ (2.0 triệu ha); Tây ban nha (1.97 triệu ha); Trung Quốc (1.6 triệu ha); Ý (1.49 triệu ha); Pháp (1.38 triệu ha); Uruguay (1.31 triệu ha); Ấn Độ (1,18 triệu ha); Đức (1.09 triệu ha).

 

  1. Về thị trường:

          - Theo số liệu công bố tháng 2 năm 2019 của Viện nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (FiBL) và IFOAM, tổng doanh thu 2019: NNHC toàn cầu đạt khoảng hơn 100 tỷ EUR; trong đó thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ (44 tỷ EUR), Đức (12 tỷ EUR) và Pháp (11,3 tỷ EUR D). Hoa Kỳ và châu Âu chiếm thị phần lớn, tương ứng 44% và 35%. Châu Á  đứng thứ ba trên thế giới.

- Tuy nhiên, tính theo mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ năm 2017 trên đầu người/năm thì nhiều nhất lại là Thụy Sỹ (221 EUR), Luxemburg (164 EUR) và Đan Mạch (145 EUR). Tốc độ gia tăng giá trị sản phẩm hữu cơ khá cao, từ 15,2 (năm 1999) lên 28,7 (năm 2004) và đạt 81,6 tỷ USD (năm 2015), 90 tỷ USD ( năm 2017). Tốc độ tăng trưởng khoảng 20%; Thị phần NNHC chiếm khoảng 1,2%; (Đến 2019) có gần 3 triệu nông dân sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

  1. Phát triển thể chế và chứng nhận tiêu chuẩn

 Hiện tại có 84 nước xây dựng xong và 24 nước khác đang hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm NNHC.  Quản lý chất lượng chuỗi giá trị hữu cơ theo phương pháp (Participatory Guarantee System-PGS). Báo cáo FiBL năm 2020 cho thấy, do dịch Covid nên không thu thập được đầy đủ số liệu các quốc gia, nhưng  có 235 sáng kiến ở 77 quốc gia với hơn 1,1 triệu nhà sản xuất NN hữu cơ được cấp chứng chỉ PGS.Đi đầu trong áp dụng thành công PGS là các nước khu vực Mỹ La tinh (nổi bật là Ấn đô, tiếp đến là Braxin, Thái Land, Uganda, Peru, Bolivia , Pháp… )

III. HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ Ở VIỆT NAM

Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang trên đà phát triển tốt. Năm 2010 cả nước có 21.000 ha nông nghiệp hữu cơ, nhưng đến năm 2013 diện tích đã đạt được là 37.490 ha, tăng 1,78 lần so với năm 2010. Năm 2014 đạt 43.010 ha, tăng 2,05 lần so với năm 2010. Năm  2018 có 46 /63 tỉnh, năm 2021 có 57 tỉnh và đến năm 2022 đã có 62/63 tỉnh, thành tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.

 Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam 2022 khoảng trên 174.351 ha (tăng 47% so với năm 2016); các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo, có khoảng 17.174 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến có khoảng 555 đơn vị; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 – 2016 với tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng cũng như giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ. NNHC tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cà Mau,  Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam  có những tiểm năng, cơ hội và thách thức như sau:

1-Tiềm năng:

- Việt Nam là quốc gia nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á. Với dân số là  99,2 triệu dân (12/2022). Diện tích: 331.230 km², mật độ 283 người/km2. 35,03 % sống ở thành thi và, 64,97% sống ở nông thôn.   

-Từ  có những thuận lợi về khí hậu 4 mùa, nóng ẩm đã kéo theo thuận lợi về thổ nhưỡng, đất đai phì nhiêu, mức độ hoạt động của các sinh vật đất rất cao, xác thực vật được tái tạo, xoay vòng nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.

-Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Do đó, có thể nói, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi để phát triển NNHC.

-Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất NN như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật.

-Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp cũng là lợi thế lớn trong sản xuất NNHC ở Việt Nam do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công. Nhân công ít là một trong những lý do khiến diện tích canh tác hữu cơ, tỷ trọng chăn nuôi hữu cơ ở châu Âu, dù phát triển lâu đời nhưng vẫn dừng lại ở con số nhỏ.

-Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao. Nhu cầu sử dụng thực phẩm theo hướng “sạch, ngon”, vấn đề thực phẩm bẩn của các nước đã kéo nhận thức về tiêu thụ nông sản sang một bước mới.

- Sản phẩm hữu cơ được cộng đồng xã hội tin dùng và hưởng ứng ngày càng tăng cao. Một số sản phẩm hữu cơ như gạo, thủy sản, chè, sữa, gia vị, dừa… đã có chứng nhận quốc tế và xuất khẩu tới thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Xuất hiện nhiều điển hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy mô lớn, bài bản theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng như Tập đoàn TH, Vinamit, Vinamilk, Quế Lâm, Vinasamex…

Theo thống kê của IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ), tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam năm 2022  đã tăng 4 lần so với trước. Theo dự báo khoảng 3 năm nữa sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra và đến năm 2030 sẽ vượt kế hoạch là 2% về diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Hiện nay ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành và công bố bộ Tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia Việt Nam bao gồm các Tiêu chuẩn: 

-TCVN 11041-1:2017: Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

-TCVN 11041-2:2017: Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ

-TCVN 11041-3:2017: Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ

-TCVN 11041-5:2018 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 5: Gạo hữu cơ

-TCVN 11041-6:2018 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 6: Chè hữu cơ

-Tiêu chuẩn hữu cơ Quốc tế của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế Codex - CAC/GL 32:1999, Rev.1-2001

- Tiêu chuẩn của Tổ chức các phong trào NN Hữu cơ trên thế giới - IFOAM Norms.

2-Cơ hội:

*Với điệu kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam, NNHC cơ có cơ hội cho ngành hàng rau, quả, chè, cây gia vị, cây làm thuốc, thủy sản theo phương thức nuôi sinh thái

*Sự quan tâm của Nhà nước và người dân đã được nâng lên đối với NNHC: Ngày 22/5/2013 Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được thành lập. Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 602-2006

* Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Việc cụ thể hóa các mục tiêu này sẽ góp phần đưa Việt Nam có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến thế giới.

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP,  theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước như được ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. 
           - Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.

* Nhu cầu trong nước và quốc tế tăng cao đối với những sản phẩm an toàn. Chính vì vậy, một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, chè hữu cơ, thịt sạch…

3.Khó khăn:

- Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức vô cùng to lớn đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải triển khai nhanh nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phương thức thích hợp với tình hình mới vì hạn, nhiễm mặn, nóng, lạnh, lũ lụt, bão thì thực phẩm không an toàn sẽ đem đến nhiều hệ lụy trầm trọng hơn vì đây là nguyên nhân phá hủy môi trường và di truyền đến cho sức khỏe của nhiều thế hệ con cháu mai sau.

-Tuy nông dân đã biết canh tác  truyền thống từ hàng nghìn năm nay, nhưng sản xuất NNHC theo khái niệm của IFOAM thực ra mới chỉ được bắt đầu cuối những năm 1990, chủ yếu tập trung vào việc khai thác các sản phẩm tự nhiên, chẳng hạn như các loại gia vị và tinh dầu thực vật, để xuất khẩu sang  châu Âu

-Theo số liệu IFOA- 2012: Năm 2010 Việt Nam có 19.272 ha sản xuất NNHC được chứng nhận (0,19% tổng diện tích canh tác),. Theo Hiệp Hội NNHC Việt Nam tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam khoảng 12 – 14 triệu USD. Các sản phẩm hữu cơ gồm chè, tôm, gạo, quế, hồi, tinh dầu, tuy nhiên số lượng còn hạn chế.
          -Về chứng nhận chất lượng: Chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC. Hiện cả nước có 13 tổ chức là các nhóm nông dân sản xuất và các doanh nghiệp được các tổ chức quốc tế chứng nhận đạt chuẩn để xuất khẩu sản phẩm hữu cơ sang các nước châu Âu, Mỹ

          -Tiêu dùng: Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC chưa phát triển mạnh. Hiện không có số liệu thống kê một cách chi tiết, đầy đủ, tuy nhiên dễ nhận thấy rằng các sản phẩm rau hữu cơ là để tiêu thụ nội địa, còn các sản phẩm hữu cơ khác như chè, tôm, gạo… là để xuất khẩu.

         -Chính sách: Tuy Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền NNHC bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có NNHC nhưng còn thiếu các chính sách cụ thể về định hướng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia, để thực sự thúc đẩy sản xuất NNHC phát triển..

       -Các cơ quan, tổ chức hoạt động về NNHC:
Các cơ quan nhà nước liên quan đến lĩnh vực NNHC gồm: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Các tổ chức phi chính phủ: Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) cho rau hữu cơ, Công ty ECOMART cho chè hữu cơ; Organik Đà Lạt cho rau hữu cơ; Trang trại Xanh Viễn Phú cho gạo hữu cơ và các mô hình nuôi tôm sinh thái tại tỉnh Cà Mau…

  1. Một số mô hình NNHC tiêu biểu
    Hiện nay trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Đối với lĩnh vực trồng trọt

Hiện có nhiểu cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất với 3.053,04 ha chủ yếu là dừa và Ninh Thuận cũng là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn với 448,26 ha với một số sản phẩm chủ lực là nho, táo, rau, riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ là 284,66 ha.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản

Hiện nay đã có một trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận,  một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước. Các dự án thủy sản nuôi tôm sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau đang được tổ chức phi chính phủ SNV hỗ trợ lấy chứng nhận của IMO (tổ chức chứng nhận của Thuỵ Sĩ) để xuất khẩu tôm sang thị trường EU…

 Một số mô hình NNHC tiêu biểu

4.1. Dự án ADDA – VNFU về canh tác hữu cơ.

 Với sự hỗ trợ của chính phủ Đan Mạch thông qua Tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp châu Á (ADDA), Đã xây dựng được nhiều nhóm sản xuất sản phẩm hữu cơ trên tổng diện tích 70 ha mô hình tại 9 tỉnh, đối tượng là rau, lúa, cam, vải, nho, chè và cá nước ngọt. Kết quả thành công nhất là Dự án đã xây dựng, áp dụng thí điểm phương pháp quản lý chất lượng chuỗi giá trị hữu cơ theo Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (Participatory Guarantee System-PGS) với 25 nhóm nông dân ở Sóc Sơn, Hà Nội và Lương Sơn, Hòa Bình và các công ty tư nhân tham gia dự án, để sản xuất rau và một vài sản phẩm NNHC khác. Dự án chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ dựa trên việc xem xét mức độ tham gia tích cực của các đối tác và trên cơ sở lòng tin, mạng lưới hoạt động xã hội và chia sẻ hiểu biết với nhau. Dự án đã xây dựng và phát hành Sổ tay hướng dẫn thực hành PGS – Việt Nam bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

4.2. Ecolink-Ecomart với sản phẩm chè và rau hữu cơ.

Hoạt động chính của Ecolink-Ecomart hiện nay là chỉ sử dụng một giống chè địa phương Shan Tuyết, sản xuất với các hộ nông dân đã đăng ký và được đào tạo. Các trang trại chè chỉ bón phân hữu cơ ủ mục, không dùng phân khoáng và thuốc trừ sâu hóa học. Sản phẩm của Công ty đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của tổ chức ICEA (Ialia). Chiến lược của công ty trong việc đảm bảo chất lượng là: cố gắng thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng của từng đối tượng khách hàng, thông qua việc áp dụng nghiêm ngặt qui trình kiểm soát chất lượng và thanh tra nội bộ, tiến tới được cấp chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn của mỗi đối tượng khách hàng.

4.3. Organik Đà Lạt với sản phẩm rau hữu cơ.
        Công ty hiện đang sản xuất khoảng 150 chủng loại rau các loại, cung cấp cho nhiều khách sạn cao cấp tại các thành phố: Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Công ty cổ phần suất ăn hàng không của hãng Pacific và khoảng 1000 khách hàng ngoại quốc đang làm việc tại Việt Nam. Công ty cũng đang xuất khẩu sản phẩm rau hữu cơ sang thị trường Đài Bắc và một số nước láng giềng.

Organik Đà Lạt sử dụng phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng hóa chất và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, thực hành tốt các nguyên lý và phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), luân canh cây trồng để loại trừ cây ký chủ nguồn bệnh, dùng các loại cây hoa có màu sắc để xua đuổi côn trùng…. Công ty có hệ thống sổ sách ghi chép chi tiết về quá trình sản xuất mỗi sản phẩm, nhằm đảm bảo lòng tin cho khách hàng và độ an toàn của sản phẩm được cung ứng. Công ty đã được cấp chứng chỉ HACCP cho sản phẩm rau hữu cơ do HACCP của Hà Lan cấp.

4.4. Viễn Phú Green Farm với sản phẩm gạo hữu cơ.
           Công ty Viễn Phú đã đi đầu trong việc gia công, chế biến và sản xuất gạo hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Sản phẩm lúa gạo hữu cơ của công ty được các tổ chức chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn EU và USDA kiểm tra, giám sát và công nhận. Trang trại của công ty được đặt tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trên diện tích 320ha, trong đó 200 ha để canh tác cây trồng. Lúa hữu cơ được sản xuất theo quy trình riêng của công ty, kể cả giống lúa do công ty tuyển chọn, sử dụng phân hữu cơ  Agrostim nhập khẩu (được Viện Nghiên cứu Vật liệu hữu cơ Mỹ cấp chứng chỉ) để sản xuất, không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học trong quá trình sản xuất. Sản phẩm lúa gạo hữu cơ của công ty được các tổ chức chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn EU và USDA kiểm tra, giám sát và công nhận.

Sản phẩm chính của công ty là gạo hữu cơ đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ, có các thương hiệu “Hoa Sữa trắng”, “Hoa Sữa đen”, “Hoa Sữa Tím”, “Hoa Sữa Đỏ.

4.5. Tập đoàn TH True Milk là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Từ năm 2013-2014, tập đoàn này đã tổ chức sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ tiêu chuẩn USDA-NOP (Mỹ) và EC 834/2007, EC 889/2008 (châu Âu) theo chuỗi từ trang trại tới sơ chế và phân phối cho sản phẩm rau và dược liệu. Ngay sau đó là tới sản phẩm sữa hữu cơ - một là tập đoàn đã ký kết với đại diện của Control Union thực hiện quy trình sản xuất sữa tươi TH true MILK organic theo tiêu chuẩn EC 834/2007; EC 889/2008 (châu Âu) và USDA-NOP (Mỹ) từ tháng 12/2015". TH thực hiện chuyển đổi bài bản và có lộ trình cho trang trại, nhà máy… theo chuẩn organic của châu Âu và Hoa Kỳ.  Đến tháng 4/2017, TH đạt chứng nhận hữu cơ châu Âu cho trang trại, nhà máy và tiếp tục tiến trình lấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ. Hiện nay TH TrueMilk có tổng đàn bò sữa hữu cơ trên 1.000 con, tại Nghĩa Đàn  Nghệ An.

4.6. Công ty Vinamilk : Trang trại ban đầu tại Đà Lạt, Lâm Đồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Hoa Kỳ.

Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt đàn bò Organic được chăm sóc theo tiêu chuẩn organic Châu Âu “3 Không”: không sử dụng hooc-mon tăng trưởng cho bò, không dư lượng thuốc kháng sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn châu Âu qua nguồn thực phẩm, nguồn nước và môi trường hoàn toàn hữu cơ. Bò sữa trong trang trại được nuôi bằng 100% thực phẩm hữu cơ, bò được tự do thư giãn rong chơi trên đồng cỏ trong khí hậu mát mẻ, trong lành của Đà Lạt mỗi ngày.

5.Thách thức:

5.1.Là một nước nông nghiệp, đất chật người đông, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường hóa học hóa. Đây là một thách thức trong phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các nước đang phát triển trên thế giới.

5.2. Việt Nam có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại trong khi quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng. Kinh nghiệm của nhiều nước sản xuất NNHC cho thấy bảo vệ thực vật là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ

5.3. Hiện tại, nhiều hộ nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết. Thêm vào đó, quy trình sản xuất khắt khe, đủ để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao. Năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra  sản phẩm thường có hình thức không đẹp, không bắt mắt. Bên cạnh giá thành sản phẩm cao trong khi không có khả năng phân biệt thực phẩm hữu cơ một cách chắc chắn là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng không muốn chi tiền cho loại sản phẩm này.

5.4. Mức sống của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về NNHC chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, do vậy, việc sản xuất NNHC  cho thị trường nội địa cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề tiêu thụ và vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn

5.5. Chính sách thúc đẩy, hỗ trợ NNHC phát triển ở nước ta còn thiếu và chậm được triển khai. Một số chính sách được ban hành nhưng khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, không khả thi. 

  1. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

Sản phẩm NNHC  cần hướng đến 100 triệu dân trong nước và  xuất khẩu. Nhu cầu về sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc là rất lớn.

- Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan đến NNHC, như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế cần cập nhật  các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ NNHC phát triển. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất sản không không an toàn, sử dụng chất độc hại trên cơ sở tăng cường công tác chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản xuất các sản phẩm hữu cơ.

-Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ với các sản phẩm có nhãn hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc. Thiết lập và tăng cường hiệu quả hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ ở nước ta

-Cần đẩy mạnh quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng sản xuất lớn chuyên canh cho phát triển hữu cơ theo hướng hàng hóa.

- Cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở sản xuất, chế biến phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ. Giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm. Đặc biệt trong việc xác định và phát triển sản phẩm chủ lực cho nhu cầu xuất khẩu của hàng hóa nông sản hữu cơ Việt Nam...

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từ đó thay đổi hành vi, có thói quen áp dụng sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm sạch

- Đẩy mạnh  nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực thương mại về NNHC.

Abstract in English. Title:”Some features of Vietnam's Organic Agriculture Status-Potentials and Challenges”

As defined by the United Nations, organic agriculture (OA) is a system of natural cultivation and breeding, not using chemicals as fertilizer and pesticides, helping to reduce pollution, ensuring health for humans and animals. Traditional OA is a combination of human creative labor and precious gifts of nature. But human society has abused the goodness of nature, disrupted the ecological balance, poisoned the land, water and air with tens of thousands of toxic chemicals. In that situation, the flow of production OA was born and growing stronger.

The OA has caused increasing attention over the past two decades, especially in developed countries, where food pressures have been reduced, but the pressure on food hygiene and safety, quality Farm products and environmental pollution increase. Many countries in Europe, North America and Oceania have encouraged farmers to adopt organic agriculture.

Organic agriculture in Vietnam is on a good track. In 2010, the whole country had 21,000 hectares of organic agriculture, but by 2013 the area had reached 37,490 hectares, an increase of 1.78 times compared to 2010. In 2018 there were 46/63 provinces, by 2022, 62/63 provinces. engage in organic farming or convert to organic farming.

The total area of organic agricultural land in Vietnam by 2022 is about 174,351 ha (increasing 47% compared to 2016); Organizations and individuals producing and trading in organic agriculture are increasingly numerous, with about 17,174 organic agricultural production units and about 555 processing units; export turnover reached about 335 million USD/year with rapid growth in terms of scale, output as well as value and types. OA in Vietnam has potential, opportunities and challenges in the areas of production, marketing, institutional development and certification. Therefore, the State and economic organizations need to have specific solutions such as promulgating legal documents, guiding organic production and products with traceability. It is necessary to strengthen the inspection, examination and supervision of the production, processing and consumption of organic products as well as to adopt policies to support and encourage production and processing facilities and scientists. invest in scientific research to serve the goal of sustainable development of organic agriculture

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Báo cáo Đại hội Hữu cơ thế giới lần thứ 20 (OWC) ngày 7-10/9/2021 - Pháp: https://www.fibl.org/fileadmin/documents/shop/1150-organic-world-2021.pdf
  2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. TQC cấp chứng nhận hữu cơ - Organic mới nhất 2023: https://tqc.vn/chung-nhan-huu-co-organic.htm

  1. Xuân Hiền và CTV- Hội nghị tổng kết năm 2022 và phương hướng kế hoạch năm 2023 (2022)-“Xây dựng Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam làm cầu nối cho nông dân”

5.Hà Phúc Mịch-Chủ tịch hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (2018) “ Báo cáo hoạt động Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ nhiệm kỳ 1 (2012-2017)-Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỹ II (2018-2022)

  1. Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp (2018) “Nông nghiệp hữu cơ-Một trong các định hướng phát triển nông nghiệp tinh hoa, sinh thái bền vững”, Kỷ yếu Đại hội II, nhiệm kỳ 2018-2022 trang 119-124
  2. Le Thi Thuy, (2018),Vietnam Animal Science and Technology Institute -VAHA, “Organic Food in Vietnam: Opportunities and Challenges” Proceedings of INWES-APNN Conference, 18-20 OCtober, 2018, page:169-172.
  3. Cục Trồng trọt (2017), Hiện trạng và định hướng sản xuất NNHC trong lĩnh vực trồng trọt, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC”.
    9. FiLB and IFOAM (2016), The World of Organic Agriculture: Statistics and Emerging Trends 2016.
    10. Andre Leu (2017), Development of Organic Agriculture, suggestions to the Government of Vietnam, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC”
  4. Cục chế biến và phát triển thị trường Nông sản-Bộ NN và PTNT (2018) “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong xu thế hội nhập”. Trang 33-42

PGS.TS. Lê Thị Thúy-TS. Lê Văn Thông-PGS.TS Hoàng Kim Giao-Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam. Email:kimthimaithanh@gmail.com