Ngày 10/5/2016, tại khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Lợi nhuận từ bò sinh sản” do Bộ Nông nghiệp & PTNT, Đại sứ quán Úc ở Hà Nội. Hiệp hội gia súc sống, Hiệp hội Thịt và gia súc Australia phối hợp tổ chức.
Trong thời gian gần đây, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống chăn nuôi cũng như sự tác động của các yếu tố nước ngoài đã làm cho bộ mặt của nền chăn nuôi gia súc Việt Nam thay đổi một cách chóng mặt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Úc đã cùng cam kết để tạo ra một sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi không những để đảm bảo an ninh lương thực mà còn nâng cao năng lực sản xuất.
Qua đó, Hội thảo này là một trong các chương trình hội thảo hợp tác giữa các bên chính phủ Úc, chính phủ Việt Nam và các thành viên của nền công nghiệp với mục đích hỗ trợ tối đa vào sự phát triển của ngành bò thịt tại Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại HT
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay, so với các nước phát triển cơ cấu tiêu dùng về thịt bò của Việt Nam có sự khác biệt tương đối lớn. Theo thống kê, hiện thịt lợn tiêu dùng tại nước ta chiếm trên 60%, thịt gà là 20%, thịt bò là 7%. Dự tính đến năm 2020 cơ cấu thịt bò sẽ tăng lên 12%. Tuy nhiên, dựa vào tình hình hiện tại, tốc độ phát triển và lượng tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam sẽ có sự thay đổi nhanh chóng.
Được biết, trong những năm gần đây, nhu cầu thịt bò của Việt Nam tăng rất nhanh, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, Việt Nam đã phải nhập khẩu thịt bò của một số nước như: Australia, Mỹ…tuy nhiên, trước thực trạng trên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám tỏ ra lo ngại và cho rằng, nếu cứ nhập khẩu bò thịt và bò sữa mãi thì không bền vững. Vì thế, Việt Nam cần phải phát triển chủ động bò thịt và bò sữa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi, lập kế hoạch quỹ đất cho chăn nuôi gia súc lớn… để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trước thực trang trên của ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt và bò sữa, tại hội thảo, ông Michael Patching, Hiệp hội thịt và gia súc Australia cho biết, trong 3 năm qua, với mục đích hỗ trợ tối đa sự phát triển của ngành bò thịt tại Việt Nam, tốc độ đầu tư của Australia vào ngành thịt bò Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ trong vấn đề xuất khẩu gia súc mà còn thông qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào cơ sở hạ tầng trang trại, lò giết mổ và đào tạo trình độ cho nhân viên, nông dân…bên cạnh đó, Australia cũng luôn hỗ trợ, mong muốn phát triển các khía cạnh khác trong chuỗi giá trị bò thịt bao gồm cả vấn đề con giống, sinh sản, cũng như vệ sinh ATTP…hướng tới mục đích phát triển lâu dài, bền vững và lợi nhuận.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đã cung cấp cho Hội thảo về định hướng ưu tiên của các chương trình nhân giống bò, chú trọng vào việc cải cách năng suất, sự hiệu quả và gen của chính phủ Việt Nam. Đến với hội thảo cũng có rất nhiều chuyên gia đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp từ Úc như: Ông Simon với chủ đề Công nghệ sinh sản – ứng dụng công nghệ trong việc sinh sản của bò, Bà Bronte Sutton với chủ đề: Đánh giá thể trạng bò sinh sản thuận lợi…
Đặc biệt, Trung tâm giống gia súc lớn Trung ương tham gia hội thảo với đại diện là Phó giám đốc Trung tâm – TS Phạm Văn Tiềm với chủ đề: “Công nghệ tinh trùng đông lạnh tại Việt Nam”. Tiến sĩ Tiềm cho rằng, để phát triển bò sữa và bò thịt cần tăng cường các chính sách đầu tư của các giống bò sữa và bò thịt, mở rộng chính sách hỗ trợ phối giống bò nhân tạo trong nước, đồng thời tăng cường các chính sách khuyến khích đối với các trang trại bò thịt, bò sữa và mô hình hợp tác trong chăn nuôi; tăng cường chính sách hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào ngành công nghiệp bò thịt và bò sữa.
TS Phạm Văn Tiềm trình bày tại Hội thảo
Bên cạnh đó cần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi; lập kế hoạch quỹ đất cho chăn nuôi gia súc tập trung, mở rộng hợp đồng thuê đất; ưu đãi thuế cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt và bò sữa nói riêng. Ngoài ra, tăng nhập khẩu bò đực và bò sữa giống cao sản từ các nước tiên tiến trên thế giới; Tiếp tục cải tiến sản xuất bò thịt và bò sữa ở cả hai hướng nhân thuần và lai tạo. Tăng cường áp lực chọn lọc giống từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt với đàn bò ngoại thuần chủng cao sản, tầm cỡ quốc tế với các giống: Bradman, Red Angus, Drought Master, HF… và sản phẩm tinh đông lạnh mang thương hiệu VINALICA của Trung tâm giống gia súc lớn Trung ương, với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, cung cấp cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương góp phần thiết thực trong cải tạo đàn bò quốc gia Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Văn Tiềm cũng lưu ý việc tăng cường hợp tác giữa 4 bên (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông), đồng thời cần phải bảo đảm lợi ích của nhà nông, doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng; tăng năng lực nghiên cứu, thông tin thị trường và dự báo định hướng sản xuất..
Hội thảo kết thúc lúc 13h cùng ngày, mở ra nhiều kiến thức chuyên sâu được chia sẻ trong chăn nuôi bò và nhiều cơ hội hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cũng như có nhiều ý kiến đề xuất tích cực trong chính sách của chính phủ Việt Nam và chính phủ Úc.