Gia Lai được đánh giá là một trong những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi với đàn bò lên đến 450.000 con. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thức ăn luôn là thách thức đối với ngành chăn nuôi của tỉnh, nhất là vào thời điểm khô hạn. Theo đó, xây dựng cánh đồng cỏ mẫu lớn phục vụ chăn nuôi bò là một trong những giải pháp bền vững.
Hiệu quả từ dự án trồng cỏ
Lùa đàn bò xuống đồng cỏ non tơ, chị Nguyễn Thị Nghiêm (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) nói: “Trước đây, đàn bò của gia đình được chăn thả tự nhiên. Vào mùa khô, tôi phải đưa đàn bò đi xa mà lại chẳng đủ no. Nhờ lấy giống cỏ mới từ Trại giống vật nuôi Đak Pơ nên đồng cỏ của gia đình xanh tốt, lúc nào nguồn thức ăn cũng dồi dào. Hiện gia đình có 1 ha cỏ được chăm sóc tốt, đảm bảo thức ăn cho 18 con bò”. Cũng trồng giống cỏ lấy từ Trại giống vật nuôi Đak Pơ, anh Nguyễn Đức Dương (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ) phấn khởi: “Gia đình xin giống trồng được 2 năm nay, có thức ăn đầy đủ nên đàn bò phát triển tốt, kinh tế gia đình nhờ đó cũng được cải thiện”.
Ông Lê Quang Vịnh giới thiệu về giống cỏ mới
Cỏ voi VA06 và cỏ Hàng Chông hiện không còn xa lạ đối với các hộ chăn nuôi bò. Bởi lẽ, đây là giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống cỏ thông thường nhờ độ ngọt, hàm lượng đạm cao (VA06) và có khả năng chịu sự giẫm đạp (cỏ Hàng Chông). Theo ông Lê Quang Vịnh-Phó Giám đốc Trại giống vật nuôi Đak Pơ, giống cỏ voi VA06 và Hàng Chông thuộc Dự án DA15/1999 do Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNN triển khai trồng khảo nghiệm tại huyện Chư Pah. Đến năm 2011, 2 giống cỏ nói trên tiếp tục được trồng khảo nghiệm tại huyện Đak Pơ và được đánh cao. Nhờ những đồng cỏ giống mới mà đàn bò của huyện tăng lên 16.000 con. Vừa qua, Trại giống vật nuôi Đak Pơ liên kết với 46 hộ nuôi trên 300 con bò với tỷ lệ lai hơn 80%. Mô hình không chỉ tạo việc làm cho các hộ chăn nuôi mà còn giúp đơn vị bảo tồn nguồn giống bò quý cho tỉnh.
Nhân rộng những cánh đồng cỏ mẫu lớn
Dự án trồng khảo nghiệm 2 giống cỏ mới tại huyện Đak Pơ đã thành công ngoài mong đợi. Theo đó, cỏ voi VA06 phát triển rất tốt, chỉ cần 60 ngày đã có thể thu hoạch. Đặc biệt, cỏ voi VA06 mềm, độ nhám của lá thấp hơn cỏ voi thông thường nên bò thích ăn. Giống cỏ này cũng cho năng suất cao hơn nhiều lần so với cỏ voi thường. Nếu thâm canh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật có thể cắt được 8 lứa/năm với năng suất 300-350 tấn/ha/năm… Tương tự, cỏ Hàng Chông sau khi trồng khảo nghiệm cũng phát triển rất tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Loại cỏ này còn có ưu thế chịu sự được giẫm đạp và tái sinh nhanh nên rất phù hợp với việc chăn thả gia súc. Nếu chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn thì cỏ Hàng Chông mỗi năm cho năng suất 80-100 tấn/ha và đặc biệt có thể lưu gốc 10 năm.
Với những ưu thế vượt trội của giống cỏ Voi VA06 và Hàng Chông, sau 7 năm triển khai dự án, Trại giống vật nuôi Đak Pơ đã chuyển giao và nhân rộng lên hàng trăm ha trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, địa bàn huyện Đak Pơ là 50 ha, thị xã An Khê (10 ha), Chư Pah (18 ha), Mang Yang (5 ha)… “Đơn vị đã xây dựng 2 mô hình trồng cỏ voi VA06 tại xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) để bà con áp dụng vào trồng đại trà. Hiện nay, một số công ty chăn nuôi bò trong và ngoài tỉnh đã liên hệ để lấy giống cỏ của đơn vị về trồng khảo nghiệm. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu trồng cỏ theo công nghệ tưới nhỏ giọt, dự tính sẽ triển khai trong năm 2018 với diện tích khoảng 5 ha. Đây sẽ là dự án nhằm đảm bảo thức ăn cho bò vào mùa nắng hạn”-ông Lê Quang Vịnh cho biết thêm.
Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN: Giống cỏ voi VA06 và Hàng Chông là những giống cỏ rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Tây Nguyên. Hiện có nhiều vùng đã trồng thâm canh, giải quyết được một phần thức ăn cho đàn bò trên địa bàn. Xây dựng cánh đồng cỏ mẫu lớn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc là xu hướng của ngành chăn nuôi hiện nay, nhất là với Gia Lai khi có quỹ đất lớn, nhiều vùng đất đồi đủ độ ẩm cho cây phát triển. Để cỏ phát triển tốt, cần nghiên cứu phương án sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm và trồng thâm canh.
Nguồn: Báo Gia Lai